Thực hiện Hướng dẫn số 08/HD-PGD&ĐT-THCS ngày 30 tháng 9 năm 2020 về hoạt động dạy và học năm học 2020-2021 của PGD&ĐT quận Đống Đa và trong Kế hoạch số 42/KH-PGD&ĐT-THCS ngày 08 tháng 10 năm 2020 của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa về triển khai giáo dục Stem trong giáo dục cấp THCS từ năm học 2020-2021 nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn.
Ngày 05 tháng 01 năm 2021, tại trường THCS Trung Phụng, cô giáo Nguyễn Thị Hương - giáo viên trường THCS Trung Phụng đã tổ chức buổi báo cáo kết quả thực hiện dự án dạy học theo định hướng giáo dục STEM môn Sinh học với chủ đề: Dự án “Chế tạo mô hình hệ hô hấp và vòng tuần hoàn”.
Đến dự có đại diện Phòng GD&ĐT, các thầy cô giáo là tổ trưởng chuyên môn và các đồng chí nhóm trưởng nhóm sinh học của các trường THCS trên địa toàn quận Đống Đa.
Tại buổi báo cáo, học sinh được chia thành nhiều nhóm nhỏ, dưới sự hướng dẫn của giáo viên tham gia vào các hoạt động thực hành của dự án... Ngoài ra, các em còn được tham gia các hoạt động phát huy tính sáng tạo, chủ động để chế tạo ra hệ hô hấp và vòng tuần hoàn với chi phí rất thấp
Sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, theo định hướng giáo dục STEM, cô giáo Nguyễn Thị Hương đã thiết kế bài giảng sáng tạo, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học và tạo hứng thú học tập cho học sinh. Qua tiết học báo cáo, học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức mới, khuyến khích các em vận dụng lý thuyết vào thực tiễn và phát huy năng lực học tập tích cực như: tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng phân tích, tổng hợp…
Đánh giá về hiệu quả của dự án từ các bạn đồng nghiệp của các trường việc đưa giáo dục STEM vào môn học là một trong những nỗ lực rất đáng ghi nhận của cô và trò trường THCS Trung Phụng. Việc vận dụng phương pháp giáo dục STEM vào nhiều môn học, tạo ra sản phẩm cụ thể, qua đó giúp học sinh liên hệ kiến thức học được trong nhà trường áp dụng vào cuộc sống, đồng thời phát triển các kỹ năng, phương pháp làm việc nhóm là một trong những cách phát triển toàn diện giáo dục.
STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn.
Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.
Qua một chủ đề thực tế về dạy học theo định hướng STEM như thế này đã kích thích các em tìm tòi kiến thức, rèn luyện kĩ năng hoạt động nhóm, ngôn ngữ trình bày, mạnh dạn đề xuất ý tưởng và kỹ năng thao tác thực nghiệm.
Sau tiết chuyên đề là buổi tập huấn đổi mới phương pháp dạy học bộ môn Sinh học cấp THCS do PGS. TS Trần Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng khoa Sinh, trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ, trao đổi với các thầy cô giáo với 21 nhà trường trên địa bàn quận được các đồng chí giáo viên đánh giá sát thực tế, thiết thực. Qua buổi tập huấn, các đồng chí đều nắm được nội dung của buổi tập huấn, qua đó về tới nhà trường sẽ triển khai tới các tổ nhóm, tới từng đồng chí giáo viên theo đúng định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sẽ được áp dụng đối với cấp THCS từ năm học 2021-2022.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi chuyên đề và tập huấn:
Nguồn: Tổ THCS