LĐLĐ QUẬN ĐỐNG ĐA
CĐ TRƯỜNG THCS TRUNG PHỤNG
|
|
BÁO CÁO SƠ KẾT THI ĐUA ĐỢT I (15/8/2017 - 20/11/2017)
VÀ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA ĐỢT 2
(21/11/17- 03/02/2018).
PHẦN 1. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC THI ĐUA ĐỢT I
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG :
Năm học 2017-2018 là năm học có nhiều sự thay đổi với nhiều thách thức đặt ra đối với ngành giáo dục nói chung, thầy và trò nhà trường THCS-THCS Trung Phụng nói riêng: Xác định lại mục tiêu giáo dục, Đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá, Duy trì và đảm bảo chất lượng giáo dục … Vì vậy trong các hoạt động và các phong trào thi đua nhà trường đều hướng giáo viên tới những yêu cầu, mục tiêu, thách thức đã được xác định nhằm đạt được mục tiêu giáo dục mà nhà trường.
1. Đánh giá đội ngũ giáo viên
Tổng số công đoàn viên: 27 đồng chí.
Nhiều đồng chí giáo viên có năng lực, tinh thần cầu tiến, tích cực học hỏi đầu tư chuyên môn. Tuy phải kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng đã cố gắng hoàn thành công tác chuyên môn và hoàn thành tốt công việc được giao, đạt được một số thành tích nhất định.
Tính đến thời điểm hiện tại cơ cấu giáo viên nhà trường đã gần đầy đủ ở các môn. Tuy đủ về số lượng nhưng chất lượng đội ngũ cần phải được nâng cao hơn nữa, số lượng giáo viên cốt cán cấp trường ở các bộ môn rất mỏng và không có giáo viên cốt cán cấp quận, thành phố.
2. Thuận lợi, khó khăn, thách thức
a. Thuận lợi :
Thầy và trò nhà trường luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Phòng giáo dục quận Đống Đa, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các tổ chức.
Đội ngũ giáo viên, nhân viên trẻ nhiều đồng chí có năng lực, nhiệt tình với công việc được giao.
b. Khó khăn :
- Thời gian diễn ra đợt thi đua chào mừng 20-11 diễn ra đồng thời rất nhiều hoạt động khác do Quận tổ chức mà giáo viên phải tham gia nên tạo nên sức ép khá lớn cho giáo viên
- Đội ngũ giáo viên còn trẻ thiếu kinh nghiệm trong công tác giảng dạy học sinh, đặc biệt là việc áp dụng phương pháp dạy học mới đang là một việc khá mới mẻ đối với một số giáo viên.
- Bên cạnh đó với việc thay đổi hình thức thi cử làm cho không chỉ học trò và cả các thầy cô giáo cũng lúng túng trong quá trình dạy và học.
- Ngoài ra còn nhiều khó khăn về về vị trí địa lí, điều kiện kinh tế địa phương, trình độ học sinh, dân trí của người dân, phụ huynh cũng ảnh hưởng đến công tác giáo dục của nhà trường.
II. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ THI ĐUA
1. Đối với Giáo viên
1.1. Công tác tư tưởng chính trị.
Triển khai có hiệu quả, sáng tạo các cuộc vận động và phong trào thi đua “dạy tốt học tốt, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học tự sáng tạo”. Thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động của ngành “Học tập và làm theo tấm gương, phong cách Hồ Chí Minh”.
Các đồng chí giáo viên, nhân viên đã tích cực tham gia và hưởng ứng các phong trào thi đua chào mừng ngày nhà giáo VN 20/11/2016. Các đồng chí GVCN thường xuyên quan tâm đôn đốc nhắc nhở học sinh về tinh thần tôn sư trọng đạo thi đua lập thành tích dâng lên các thầy cô.
Chủ động trong công việc và nhiệm vụ được phân công. Tham gia tích cực trong các phong trào hoạt động của nhà trường và ngành phát động. Không để xảy ra hiện tượng vi phạm nội quy công sở, giờ giấc làm việc hành chính.
1.2. Công tác chuyên môn và giảng dạy.
Đa số cán bộ, giáo viên đều chấp hành nghiêm túc các qui chế về chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện tốt kỷ luật lao động của cơ quan đơn vị. Có ý thức trong các phong trào thi đua. Tích cực đăng ký thi giảng, dự giờ thăm lớp và tham gia các hoạt động chuyên môn của nhà trường: các cuộc thi về chuyên môn, các phong trào thi đua của chuyên môn,….
Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” được cụ thể hóa thông qua công tác thao giảng với nhiều tiết dạy được đánh giá cao, được đánh giá Giỏi như. Tuy trong thời gian thi đua chào mừng ngày 20-11 đồng thời diễn ra nhiều hoạt động phong trào của Quận tổ chức xong các thầy cô giáo vẫn đầu tư nhiều công sức chuẩn bị cho tiết dạy, có nhiều tiết dạy ứng dụng tốt phương pháp dạy học mới có kết hợp nhiều phương tiện hỗ trợ dạy học
Qua tổng kết đợt thao giảng thì có 20 tiết được tiến hành, 100% các tiết thao giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, có sử dụng phương pháp dạy học mới. Trong đó có 19/20 tiết thao giảng xếp loại Giỏi, có 1 tiết xếp loại khá. Trong quá trình kiểm tra đột xuất, định kì không có đồng chí giáo viên nào vi phạm qui chế chuyên môn, vi phạm về hồ sơ sổ sách.
Năm học 2017-2018 đánh dấu một bước phát triển mới trong phong trào dạy tốt, học tốt của thầy và trò nhà trường, ngoài việc đầu tư dạy học theo phương pháp dạy học mới. Thì công tác ôn thi HSG cũng là điểm sáng của công tác giáo dục của nhà trường, ôn thi HSG trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn bộ giáo viên, đa số các đồng chí giáo viên đều nhiệt tình trong công tác ôn luyện. Tuy nhiên kết quả thi học sinh giỏi lớp 9 vẫn chưa ca.
Các thầy, cô giáo viên chủ nhiệm đã quan tâm sâu sát đến đời sống sinh hoạt và ăn ở của các em học sinh, động viên học sinh hưởng ứng và tham gia các hoạt động thi đua của nhà trường, nhiều em học sinh tích cực tập luyện văn nghệ, thể thao cùng các thầy cô giáo tham gia các hội thi. Qua đó, giúp các em học sinh năng động, tích cực hơn trong các hoạt động và nhiều tập thể lớp đã có thành tích cao trong các cuộc thi trong như lớp …
1.3. Các hoạt động phong trào.
Năm học 2017 -2018 mới trải qua gần hết học kì I nhưng có thể nói là năm học thành công của hoạt động phong trào nhà trường. Để đạt được thành tích trên cần phải ghi nhận sự cố gắng rất lớn các thầy cô giáo trong nhà trường
Nhà trường tích cực hưởng ứng các phong trào như: “ Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”,“Ủng hộ quỹ vì người nghèo” “Chia sẻ yêu thương”.v.v. do các tổ chức, ban, ngành đoàn thể, nhà trường phát động.
1.4. Thực hiện các cuộc vận động
Ngay từ đầu năm học nhà trường đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên, đồng thời lập kế hoạch cụ thể bám sát với thực tiễn của đơn vị để các tổ chức đoàn thể, cán bộ, giáo viên, học sinh biết và triển khai thực hiện.
Triển khai vào học đúng theo tinh thần chỉ đạo của ngành, của UBND Quận và dần đi vào ổn định nề nếp dạy và học, thực hiện đầy đủ các cuộc vận động như “ Học tập và làm theo tấm gương phong cách đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.v.v. cảnh quan nhà trường ngày càng sạch sẽ, xanh tươi và thân thiện hơn. Thầy, trò nhà trường phấn đấu xây dựng môi trường học tập thân thiện, văn minh.
Cụ thể việc khen thưởng giáo viên có danh sách kèm theo.
2. Đối với học sinh:
Tất cả các lớp đều đăng kí thi đua ngày học tốt, tuần học tốt. Nhiều em chuẩn bị bài vở chu đáo hơn, giành được nhiều bông hoa điểm tốt dâng lên các thầy cô trong đợt thi đua chào mừng ngày nhà giáo VN 20/11. Trong giờ học các em đã tích cực phát biểu xây dựng bài. Qua đó, nhiều tập thể đạt thành tích cao trong phong trào thi đua giờ học tốt, ngày học tốt, tuần học tốt như tập thể lớp: ….
Đa số các em học sinh thực hiện tốt nền nếp tự quản mà nhà trường đề ra.
Bên cạnh đó, các em học sinh nhà trường còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào như văn nghệ, thể dục thể thao khác và đã đạt giải cao: ……..
III. HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
1. Hạn chế
Tuy đạt được nhiều thành công ngay từ đầu năm học xong còn tồn tại những hạn chế:
- Việc áp dụng phương pháp dạy học mới của nhiều giáo viên còn lúng túng chưa hiệu quả, còn mạng tính hình thức, chưa năm rõ được tiến trình thực hiện một tiết dạy theo phương pháp dạy học mới.
- Công tác đánh giá thao giảng còn chưa mang tính phân loại, chưa dựa vào phiếu chấm, đôi khi việc đánh giá còn cảm tính và không thống nhất giữa những người đánh giá.
- Việc tham gia tập luyện thể dục thể thao, diễn văn nghệ chưa mang tính kỉ luật cao.
- Nhiều công việc hoàn thành chậm so với tiến độ đặt ra, còn phải nhắc nhở.
- Nhiều tập thể, học sinh còn chưa hưởng ứng nhiệt tình các phong trào thi đua tham gia chỉ để đối phó, còn để mắc phải những vi phạm nghiêm trọng trong đợt thi đua, …
2. Nguyên nhân
- Do một số giáo viên áp dụng phương pháp dạy học mới không tìm hiểu, nghiên cứu, chỉ nhìn người khác thực hiện mà học tập theo, chính vì vậy trong quá trình áp dụng gặp phải nhiều vướng mắc.
- Việc nghiên cứu phiếu chấm đánh giá giờ dạy của giáo viên chưa tốt, chưa hiểu rõ các mục, yêu cầu đưa ra của tiết dạy nên việc đánh giá chưa sát hoặc cảm tính.
- Việc tiến hành công việc của một số giáo viên, bộ phận còn chưa theo kế hoạch nên dẫn đến việc hoàn thành chậm tiến độ, hiệu quả công việc đạt được chưa cao.
3. Giải pháp
- Thường xuyên tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, rút kinh nghiệm giờ dạy theo đúng tinh thần của văn bản 5555 của Bộ giáo dục.
- Thay đổi hình thức thao giảng lựa chọn, Tập huấn lại cách đánh giá tiết dạy cho giáo viên theo phiếu chấm, lựa chọn giáo viên tham gia đánh giá.
- Giám sát chặt chẽ việc hoàn thành công việc của giáo viên, các bộ phận thông qua kế hoạch.
Phần 2. PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA ĐỢT 2 (21/11/17-03/02/2018).
Phát huy những gì đã đạt được trong đợt thi đua vừa qua thay mặt Ban thi đua tôi xin kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường hãy đoàn kết, duy trì kỉ cương nề nếp, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” để đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2017 – 2018.
Tôi xin chính thức phát động phong trào thi đua đợt 2: Từ 21/11/2017 đến 3/2/2018 Thi đua chào mừng kỷ niệm 73 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam và 27 Năm ngày hội Quốc phòng toàn dân; Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những nội dung cụ thể sau:
I. Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên:
1. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục vận động CB,GV, CC,VC thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định của ngành. Tổ chức các hoạt động truyền thống và phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, tham gia các cuộc thi.
2. Thực hiện thành công các nhiệm vụ giáo dục đặt ra: Tổ chức tốt kì thi học kì I nhằm đánh giá một cách thực chất kết quả học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên; Đạt kết quả cao các cuộc; tổ chức thành công hội thi Giai điệu tuổi hồng cấp trường;
3. Công đoàn nhà trường phối hợp với Ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng một cách thực chất. Đa dạng hoá các hình thức, nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, các tổ, các đoàn thể chủ động tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tối đa khả năng của CB,GV. Động viên CB,GV,CC,VC tích cực học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc; ứng dụng hiệu quả CNTT trong dạy học và quản lí, các phương pháp dạy học tích cực thường xuyên được sử dụng trong dạy học , áp dụng SKKN, NCKH trong thực tiễn giáo dục. Mỗi CB,GV thực hiện một đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý giáo dục.
4. Thực hiện tốt cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”, “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”. Quan tâm công tác giáo dục ý thức trách nhiệm, xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao phẩm chất, phong cách, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, để “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Phát hiện bồi dưỡng, tuyên truyền, học tập gương điển hình tiên tiến. Duy trì tốt nền nếp, kỷ cương, xây dựng mối quan hệ thân thiện, môi trường giáo dục lành mạnh trong Nhà trường.
5. Công đoàn phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc, cở sở vật chất, đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với CB,GV,CC,VC. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, phát huy hơn nữa dân chủ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CB,GV,CC,VC, khắc phục những hạn chế, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong công tác quản lý, thi đua và giáo dục học sinh. Giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ các tổ, các lớp.
6. Tích cực tham gia xây dựng Đảng. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn. Xây dựng tổ chức Công đoàn trường ngày càng vững mạnh. Hưởng ứng tích cực các hoạt động xã hội do ngành và địa phương phát động.
II. Đối với học sinh:
1. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức tác phong:
Đẩy mạnh công tác rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống văn minh, lịch sự cho các em học sinh. Thông qua các hoạt động ngoại giáo dục kĩ năng, lí tưởng sống cho học sinh. Giúp các em xác định rõ mục tiêu học tập, tạo động lực để các em vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.
2. Nề nếp:
Tiếp tục ổn định kỷ cương nền nếp, đẩy mạnh công tác tự quản của các chi đoàn, chi đội. Thực hiện tốt nội quy của nhà trường: đồng phục sạch đẹp đúng quy định, tuyệt đối nghiêm cấm các hiện tượng nói tục, chửi bậy, các hành động, cử chỉ, lời nói thiếu lễ phép với thầy cô giáo, người lớn tuổi phát huy tốt vẻ đẹp của tuổi học trò hòa nhã với bạn bè, lễ phép với người lớn tuổi, cán bộ giáo viên trong nhà trường.
Giữ vệ sinh trường lớp sạch đẹp, bảo quản tốt cơ sở vật chất trong phòng học cũng như trong trườngvà khu nội trú.
3. Học tập:
Duy trì tốt sĩ số lớp đi học chuyên cần, chuẩn bị bài và đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập trước khi đến lớp, hăng say phát biểu xây dựng bài, nghiêm túc trong kiểm tra đánh giá phấn đấu giành những điểm cao trong các tiết học. Thi đua học tập và ôn tập tốt chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 1 sắp tới để giành kết quả cao nhất
Học sinh lớp 9 định hình phương pháp ôn tập,tập trung hết thời gian tâm sức vào việc ôn tập sao cho kì thi vào lớp 10 đạt hiệu quả cao nhất.
Các lớp có kế hoạch cụ thể tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường để đạt kết quả tốt nhất.
Trên đây là Báo cáo sơ kết phong trào thi đua đợt 1 và nội dung thi đua đợt 2.
T/M BCH CÔNG ĐOÀN
CTCĐ
(Đã kí)
Phùng Thu Hằng