Nhà Nam Cao nghèo nhưng lại là người duy nhất học hành tử tế. Sau khi học bậc thành trung, ông vào Sài Gòn làm báo rồi thất nghiệp, sau đó lên Hà Nội dạy học cho một trường tư thục. Sau cách mạng tháng tám, Nam Cao giác ngộ lí tưởng cách mạng và lên Việt Bắc tham gia công tác kháng chiến. Thế nhưng vào năm 1951 Nam Cao đã ngã xuống bỏ lại bao dự định dang giở lúc tài năng đang đương độ chín mùi. Ông đã hi sinh một cách anh dung với tư cách nhà văn chiến sĩ, trong khao khát tiếp tục có nhiều đóng góp cho dân tộc và quê hương.
Cuốn sách Nam Cao tuyển tập do nhà xuất bản Văn học phát hành gồm rất nhiều những truyện ngắn hay và đặc sắc nhất của Nam Cao. Các tác phẩm của ông đi sâu vào những phận người được khắc họa rõ nét giữa cái đói nghèo cùng khổ. Có thể nói chính tác giả Nam Cao đã sống trong đời sống của nhân vật, để hiểu và xót thương cho họ. Chính vì vậy mỗi truyện ngắn của Nam Cao đều chất chứa nỗi niềm, sự đồng cảm, sẻ chia, có lẽ vì thế mà đọc xong câu chuyện là lòng độc giả lại rưng rưng. Rưng rưng bởi xúc động, bởi cảm thông cho những số kiếp bất hạnh của những con người không may bị vùi dập bởi thời cuộc biến động, bởi miệng lưỡi thế gian, hay bởi những dằn vặt đấu tranh trong tâm tưởng. Tài hoa của Nam Cao ở chỗ ông đã sử dụng ngòi bút lạnh lùng, không chút khoan nhượng, trực tiếp đi thẳng và đi sâu vào miêu tả chân thực cuộc sống nghèo khổ, tủi nhục của người tiểu tư sản cũng như của những người nông dân, vào những đau đớn trong tâm hồn của họ và đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đó là cái bi kịch của những kẻ khao khát sống cuộc sống có ý nghĩa chân chính mà cứ bị những lo lắng cơm áo hàng ngày giày vò, phải sống cuộc sống đời thừa vô nghĩa, hay những người bị xã hội chèn ép với biết bao bất công.
Vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, truyện ngắn Nam Cao cho đến ngày nay vẫn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lòng người đọc. Người yêu văn chương của Nam Cao nhận ra mỗi vấn đề mà ông đã từng đề cập trong tác phẩm của mình đều là vấn đề bức thiết trong xã hội hiện đại, chúng chưa bao giờ cũ mòn, chúng là những “tấm gương xê dịch trên quãng đường đời”.
Bên cạnh đó, tinh thần nhân đạo mà ông gửi gắm qua từng tác phẩm cũng chính là yếu tố giúp các tác phẩm có được sức sống bất diệt. Nhà văn tài năng ấy luôn lấy tình yêu thương con người làm gốc rễ văn chương. Nếu như những nhà văn trước đó chỉ nhắc đến cái nghèo, cái đói vật chất hành hạ con người, thì với Nam Cao, đói nghèo nhân cách lại là điều đáng để băn khoăn, trăn trở.
Cuốn sách hiện có tại thư viện, rất mong được phục vụ bạn đọc.
Thư viện trường THCS Trung Phụng!