Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Trong cuộc đời mỗi chúng ta ai cũng có một thời thơ ấu được cắp sách tới trường. Gắn với kỉ niệm về mái trường là hình ảnh các thầy cô giáo kính yêu, những người đã gieo mầm và nâng cánh ước mơ để chúng ta được bay cao, bay xa trên con đường chinh phục tri thức. Quãng đời học sinh của chúng ta không thể thiếu hình ảnh thầy cô. Đó là mái tóc thầy bạc trắng vì bụi phấn, là giọng nói cô ấm áp khi giảng bài, là nụ cười khích lệ động viên của thầy khi ta vấp ngã, là giọt nước mắt hạnh phúc của thầy cô khi ta đạt được kết quả cao trong mỗi kì thi. Có thể nói một trong những tình cảm thiêng liêng nhất là tình yêu của thầy cô dành cho chúng ta.
“Tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta, một dân tộc có bốn nghìn năm Văn hiến, coi trọng chữ nghĩa. Tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên” để bày tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo, để tôn vinh công lao, sự đóng góp to lớn của các thầy cô trong sự nghiệp giáo dục. Nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thư viện trường THCS Trung Phụng xin được giới thiệu tới thầy cô và các em học sinh cuốn sách nói “Người thầy đầu tiên” của tác giả Chingiz Aitmatov do nhà xuất bản Văn học phát hành.
“Người thầy đầu tiên” là tác phẩm truyện vừa, ra đời 1962, lấy bối cảnh cuộc sống ở một vùng quê miền núi còn rất lạc hậu ở Cư-rơ-gư-đơ-xtan vào những năm đầu thế kỉ XX. Nhân vật chính là An-tu-nai (Altyna), một cô bé mồ côi, phải sống với gia đình chú thím, bị đối xử tàn nhẫn,… Thầy Đuy-sen (Dyuishen) đã kiên trì dạy An-tu-nai học chữ; hết lòng bảo vệ và giúp An-tu-nai có cơ hội lên thành phố tiếp tục việc học hành. An-tư-nai rất yêu quý thầy Đuy-sen nhưng do hoàn cảnh, thầy trò phải xa cách. Mấy chục năm sau, An-tu-nai đã là một viện sĩ, trở về thăm làng và gặp lại người thầy đầu tiên của minh trong một tình huống rất éo le. Bà đã viết thư nhờ người hoạ sĩ đồng hương kể lại câu chuyện về thầy Đuy-sen như một hành động chuộc lỗi.
Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” là cuốn sách kể về tình thầy trò cảm động giữa cô học trò An-tu-nai thông minh, lanh lợi và người thầy đầu tiên, thầy Đuy-sen. Thầy Đuy-sen tuy trẻ tuổi nhưng đầy tâm huyết, ở thầy không chỉ có tình yêu nghề, mà còn có cả sự tận tụy, chăm sóc học trò của mình như một người anh trai. Không chỉ là người đưa học trò làng Cư-rơ-gư-dơ-xtan đến gần hơn với kiến thức, thầy Đuy-sen còn bế từng học sinh qua con suối lạnh buốt, bất chấp sự khinh thường của những kẻ cưỡi ngựa qua đường. Thầy hy vọng học trò ưu tú của mình, cô bé An-tu-nai có thể được lên thành phố học tập ở một môi trường tốt hơn để phát triển chính mình. Tác phẩm ca ngợi người thầy Đuy-sen với những tâm huyết, sự tận tụy và tình cảm mà thầy dành cho học sinh của mình. Người thầy Đuy-sen đã thay đổi cuộc đời của cô bé An-tu-nai, người đã vun trồng ước mơ, hy vọng cho những học trò nhỏ.
Cuốn sách chia làm 4 phần:
+ Phần 1: Từ đầu đến “kể hết chuyện này”: Lời kể của người họa sĩ về bức thư của An-tu-nai.
+ Phần 2: Tiếp theo đến “bước về làng”: Lần gặp mặt đầu tiên của thầy Đuy-sen và An-tu-nai.
+ Phần 3: Tiếp theo đến “thầy Đuy-sen giảng bài”: Hình ảnh thầy Đuy-sen trong kí ức của An-tu-nai.
+ Phần 4: Còn lại: Những trăn trở trong lòng người họa sĩ khi nghĩ về thầy Đuy-sen và An-tư-nai.
Đối với nhiều người, thời niên thiếu là một dấu ấn khó phai trong cuộc đời. Và trong những ngày chập chững bước đi đầu tiên ấy, người ta sẽ không thể nào quên những bàn tay đã dìu dắt họ đi trên con đường kiến thức của nhân loại. Cho dù ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta có thể đã thành đạt về một phương diện nào đó, có địa vị trong xã hội, song dù ở bất cứ nơi nào, trong sâu thẳm tâm hồn ta vẫn sáng chói hình ảnh của những người thầy đã từng dạy dỗ, dìu dắt ta trong mỗi chặng đường. Cuốn sách “Người thầy đầu tiên” của Đại văn hào Chinghiz Aitmatov là một tác phẩm nằm trong dòng cảm xúc đó. Tác phẩm người thầy đầu tiên sẽ là món quà ý nghĩa tri ân thầy cô gáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Mời các thầy cô và các bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu cuốn sách vô cùng ý nghĩ này và giới thiệu cho các bạn cùng nghe cuốn sách nói qua đường liên kết sách nói:
và chia sẻ cảm nhận của mình sau khi nghe xong cuốn sách này nhé.