TOTTO - CHAN BÊN CỬA SỔ
Tác giả: Kuroyanagi Tetsuko
Nhà xuất bản: NXB Nhã Nam & NXB Văn học
Năm xuất bản: 2016
Thể loại: Văn học nước ngoài
Số trang: 254Tr
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân thân mến!
Nhận dịp kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 thư viện xin giới thiệu đến thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách Totto - chan bên cửa sổ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko.
Mỗi người, thời thơ ấu là một dấu ấn khó phai trong cuộc đời. Và trong những ngày chập chững bước đi đầu tiên ấy, người ta không thể nào quên những bàn tay đã dìu dắt họ trên con đường kiến thức. Và sau này các con cũng vậy, các con không bao giờ quên những thầy cô giáo đã dạy giỗ con hôm nay. Cuốn sách Tot-to-chan cô bé bên cửa sổ của tác giả người Nhật Tet-su-ko Ku-rô-y-a-na-gi là một câu chuyện cảm động của những con người đã sống hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
“Totto-chan bên cửa sổ” là cái nhìn xa xăm về thuở ấu thơ, là nỗi tiếc nuối cho một nền giáo dục Tomoe tuyệt vời đã qua, và cũng là đơn giản chỉ là để thể hiện sự ghẻ lạnh của mọi người đối với một cô bé hiếu động, nghịch ngợm.
Cuốn sách “Tôt - tô chan co bé bên cửa sổ ” được xuất bản đầu tiên năm 1981, cuốn sách được đón nhận từ độc giả nhiều lứa tuổi. Ở khắp nơi trên thế giới, “Tot - to-chan cô bé bên cửa sổ” được đón nhận như là truyện đối với các em thiếu nhi, sách tham khảo, tài liệu sư phạm đối với các nhà giáo. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng như Tiếng anh, tiếng Trung Quốc… Tôt - tô - chan là tên hồi nhỏ của tác giả Tet su ko. Cô bé sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc có cha là nghệ sĩ vĩ cầm, mẹ là vận độngviên bóng rổ. Mới sáu tuổi, Tot- to-chan đã bị đuổi học ở trường tiểu học vì em quá hiếu động và lạ lùng so với các bạn. Mẹ của Tot - to-chan biết ngôi trường bình thường không thể hiểu được con gái, bà liền xin cho em vào học tại Tomoe Gakuen (Trường Tomoe) của thầy hiệu trưởng Sô – sa –ku Kô - ba - y - a - si. Trường Tomoe có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có hơn năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Tot - to-chan, thậm chí có cả những em bị khuyết tật. Nhưng vượt qua những trở ngại và khác biệt tính cách, các học sinh ở Tomoe đều hoà hợp với nhau như anh em. Thầy hiệu trưởng Kôbayashi tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Ở Tomoe không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Nhà trường còn tổ chức cắm trại, đi du lịch cho các em được mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên.
Nhờ sự giáo dục của thầy hiệu trưởng Kobayashi, học sinh Tomoe đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội. Mặc dù trường Tomoe chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi (1937-1945) rồi bị bom đạn của thế chiến thứ hai phá sập, toàn bộ học sinh luôn luôn khắc ghi ngôi trường trong ký ức của họ, đặc biệt là Totto-chan. Cô bé vẫn nhớ mãi lời thầy Kobayashi thường nói: "Em biết không, Em thật là một cô bé ngoan". "Nếu không học ở Tomoe..." - tác giả viết - "nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa bé hư” mà mọi người gán cho" hay “những câu nói đó đã giúp tôi vươn lên rất nhiều”. Cô bé Tôt tô chan nghịch ngợm ngày nào đã trở thành một diễn viên truyền hình nổi tiếng nhất Nhật Bản nhiều năm liền, cô còn lại đại sứ của Unicef…Tetsuko cũng dành những trang cuối của tác phẩm để viết các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Có người đã trở thành nhà khoa học, người chuyên trồng hoa lan, người trở thành nhà giáo dục và nghệ sĩ.
Trong cuốn sách này cô ấn tượng nhất câu của thầy hiệu trưởng "Có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân lý; có trái tim, nhưng không bao giờ rung động, và do đó không bao giờ rực cháy. Thầy hiệu trưởng nói đó là những điều đáng sợ." Cách thầy hiệu trưởng yêu thương học sinh đã trở thành nguồn cảm hứng lớn để mỗi đứa trẻ như Tôt - to - chan thấy mình không khác biệt, thấy mình được là chính mình và được yêu thương. Mỗi bài học ở ngôi trường Tomoe đều là một điều đáng suy ngẫm. Hy vọng là mỗi ngôi trường đều là một nơi hạnh phúc để đứa trẻ sống và tận hưởng, trân trọng từng phút giây đáng quý. Hy vọng mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui và mỗi học sinh không có áp lực nào, để: mỉm cười trước một bông hoa mới nở, hào hứng khi nghe được một tiếng chim hót, nhận thức được những điều đúng đắn và rung động, yêu thương mọi điều đẹp đẽ trong cuộc sống này.
Đọc cuốn sách, hình ảnh luôn hiện lên trong tâm trí tôi là hình ảnh thầy Kobayashi. Thầy ấy là một nhà giáo dục đi trước thời đại. Thầy khuyến khích các em tự do khám phá thế giới chung quanh. Thầy đề cao những kĩ năng thực tiễn hơn là chỉ chăm chăm vào kiến thức. Thầy không chỉ là một thầy hiệu trưởng có tâm mà còn là một người bạn thân thiết của học sinh trường Tomoe. “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa". Phương pháp giáo dục của thầy đến tận bây giờ vẫn là phương pháp lý tưởng mà chúng ta đang theo đuổi.
Bài giới thiệu sách tháng 11 của cô đến đây là kết thúc. Xin mời tất cả các thầy cô giáo cùng các em học sinh tới thư viện tìm đọc cuốn sách.
Thư viện trường THCS Trung Phụng.