Lễ Hội Dân Gian Việt Nam
Tác giả: Vương Tuyển
Nhà xuất bản: Văn hóa - Dân tộc Năm xuất bản: 2009
Thể loại: Lễ hội Dân Gian
Số trang: 216tr
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân thân mến!
Hàng năm có lẽ không có làng quê Việt Nam nào lại không mở hội, nhỏ thì một ngày, lớn thì nhiều ngày nhất là những năm được mùa thì lễ hội vui không kể xiết. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Song nhiều nhất vào mùa xuân, bởi lẽ mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật cỏ cây... Giữa tiết trời ấm áp ấy, lòng người phơi phới rủ nhau trẩy hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong cho mùa màng tốt tươi, con người hạnh phúc. Lễ hội Việt nam không chỉ cuốn hút ở sự tưng bừng náo nhiệt mà còn bởi những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: tế lễ, rước, trò vui và hát xướng... Lễ hội dân gian được ví như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, nuôi dưỡng đời sống tinh thần con người Việt.
Có thể nói, lễ hội là hoạt động mang tính cộng đồng sâu sắc, đó là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của quê hương đất nước. Lễ hội gồm hai phần phần lễ và phần hội, thường diẽn ra ở các ngôi đình làng. Phần lễ diễn ra trang nghiêm tôn kính thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái các vị anh hùng, tôn vinh danh nhân, người có công với dân với nước. Phần lễ gồm các hoạt động rước nước, mộc dục và tế... Còn phần hội là dịp thể hiện những sinh hoạt văn hóa cộng đồng bao gồm: múa hát giao duyên, hát thờ hoặc những trò chơi dân gian đặc sắc, náo nhiệt. Cuốn sách viết về lễ hội Việt Nam của tác giả Vương Tuyển sẽ giới thiệu đến bạn đọc những nét đẹp văn hóa dân tộc cũng là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Hẹn gặp lại các em vào buổi giới thiệu sách lần sau.
Thư viện Trường THCS Trung Phụng